
Quốc tế Thiếu nhi, cùng hiểu thêm về quyền trẻ em
Đăng ngày 10-05-2022Quốc tế Thiếu Nhi 1/6 không gì khác chính là ngày trẻ em được tôn vinh, là ngày mà người lớn chúng ta dành tặng các bạn nhỏ những gì tốt đẹp nhất – những lời chúc, những món quà, những chuyến đi chơi thỏa thích… Nhưng còn một cách để chúng ta quan tâm và bảo vệ các em tốt hơn, chính là tìm hiểu quyền trẻ em đấy! Quyền trẻ em không chỉ là những điều luật khô khan, mà nó còn khiến bạn suy ngẫm về những gì trẻ em xứng đáng được hưởng, về những gì người lớn chúng ta đang làm có đảm bảo quyền lợi cho các em và tạo dựng môi trường tốt nhất để các em phát triển. Cùng tìm hiểu qua bài viết sau nhé!
Hình ảnh: Lịch bàn 2022 Live Like A Child của SDstationery.
Lần đầu tiên các vấn đề về trẻ em chính thức nhận được sự quan tâm của quốc tế là vào năm 1924, khi Hội Quốc Liên (League of Nations) thông qua Tuyên ngôn Geneva về Quyền Trẻ em. Đây là văn kiện quốc tế đầu tiên về quyền trẻ em. Tuyên ngôn xác định “nhân loại phải dành cho trẻ em những gì tốt đẹp nhất” và đề ra 5 điểm:
1. Trẻ em phải được tạo điều kiện cần thiết để phát triển bình thường về thể chất và tinh thần;
2. Trẻ em đói phải được ăn; ốm đau phải được chữa bệnh; chậm phát triển phải được nâng đỡ; trẻ em hư phải được dìu dắt; trẻ mồ côi và không người thừa nhận phải được che chở, cưu mang;
3. Trẻ em phải được ưu tiên cứu giúp khi xảy ra hoạn nạn;
4. Trẻ em phải được trao hành trang để có công ăn việc làm và phải được bảo vệ chống mọi hình thức bóc lột;
5. Trẻ em phải được nuôi dạy với tinh thần được phát huy những năng lực tốt nhất nhằm phục vụ loài người.
Dựa trên văn kiện này, Tuyên ngôn về Quyền Trẻ em do Liên Hợp Quốc thông qua ngày 20/11/1959 đã đưa ra những nguyên tắc tiến bộ hơn, khẳng định lại phương châm loài người phải dành cho trẻ em những gì tốt đẹp nhất mà mình có; các quyền trẻ em được mở rộng hơn, cụ thể:
1. Mọi đứa trẻ đều được hưởng các quyền của trẻ em, không phân biệt chủng tộc, tôn giáo, nguồn gốc quốc gia...
2. Quyền được bảo vệ, được trao cơ hội phát triển thể chất, tinh thần, đạo đức và xã hội.
3. Quyền có tên và quốc tịch.
4. Quyền được hưởng an sinh xã hội, được chăm sóc đầy đủ về dinh dưỡng, nhà ở, giải trí và dịch vụ y tế.
5. Quyền được đối xử và giáo dục đặc biệt với trẻ em bị khuyết tật về thể chất, tinh thần hoặc xã hội.
6. Quyền được yêu thương và thấu hiểu dưới sự chăm sóc và trách nhiệm của cha mẹ và xã hội.
7. Quyền được giáo dục, được tạo điều kiện để phát triển văn hóa, năng khiếu, óc phán xét, ý thức đạo đức và trách nhiệm xã hội, để trở thành một thành viên có ích trong xã hội; quyền được vui chơi giải trí.
8. Quyền được ưu tiên bảo vệ cứu giúp đầu tiên trong mọi hoàn cảnh.
9. Quyền được bảo vệ chống lại mọi hình thức bỏ rơi, hành hạ và bóc lột.
10. Quyền được nuôi dưỡng trong tinh thần thấu hiểu, bao dung và hữu nghị quốc tế.
Tuy nhiên, Tuyên ngôn về Quyền Trẻ em năm 1959 chưa có giá trị pháp lý bắt buộc. Ngày 20 tháng 11 năm 1989, Đại hội đồng LHQ chính thức thông qua Công ước về Quyền Trẻ em trên cơ sở Tuyên ngôn về Quyền Trẻ em năm 1959. Đây là Công ước đầu tiên đề cập toàn diện các quyền của trẻ em, và là văn bản có tính chất ràng buộc pháp lý đối với các quốc gia thành viên trong việc bảo vệ và thực hiện quyền trẻ em trên toàn thế giới. Gồm những nguyên tắc cơ bản:
1. Định nghĩa về trẻ em: Trẻ em là những người dưới 18 tuổi; trừ khi luật pháp quốc gia công nhận tuổi thành niên sớm hơn. Pháp luật Việt Nam quy định trẻ em là công dân Việt Nam dưới 16 tuổi.
2. Không phân biệt đối xử: Công ước áp dụng với mọi trẻ em mà không có bất cứ một sự phân biệt đối xử nào.
3. Lợi ích tốt nhất của trẻ em: Lợi ích tốt nhất của trẻ em phải được ưu tiên nhất trong mọi quyết định và hành động có ảnh hưởng đến trẻ em.
4. Thực thi công ước: Các Chính phủ cần phải thi hành tất cả các biện pháp để đảm bảo rằng mọi trẻ em được hưởng quyền của mình.
5. Trẻ em được cha mẹ định hướng để phát triển theo khả năng của mình.
6. Quyền được sống, sống còn và phát triển.
7. Quyền được đăng ký khai sinh, có họ tên và có quốc tịch, quyền biết cha mẹ mình và được cha mẹ mình chăm sóc.
8. Quyền bảo vệ và gìn giữ danh tính.
9. Quyền sống chung với cha mẹ và không bị cách ly với cha mẹ trái với ý muốn, quyền được giữ liên lạc với cả cha và mẹ, trừ trường hợp việc cách ly là cần thiết cho lợi ích tốt nhất của trẻ.
10. Quyền đoàn tụ gia đình.
11. Bảo vệ trẻ em bị đưa ra nước ngoài bất hợp pháp và không được về nhà.
12. Quyền được tôn trọng quan điểm.
13. Quyền tự do bày tỏ ý kiến.
14. Quyền tự do tư tưởng, tín ngưỡng và tôn giáo.
15. Quyền tự do kết giao và tự do hội họp.
16. Quyền riêng tư.
17. Quyền tiếp cận thông tin từ các phương tiện thông tin đại chúng.
18. Trách nhiệm của cha mẹ và sự hỗ trợ của chính phủ.
19. Quyền được bảo vệ chống lại bạo lực, xâm hại và sao nhãng.
20. Chăm sóc và bảo vệ trẻ em không được sống với gia đình của mình.
21. Cho/nhận con nuôi.
22. Trẻ em tị nạn.
23. Trẻ em khuyết tật.
24. Quyền được chăm sóc sức khỏe & dịch vụ y tế, đảm bảo thức ăn, nước uống, môi trường.
25. Xem xét định kỳ điều trị sức khỏe.
26. Quyền được hưởng an sinh kinh tế xã hội.
27. Quyền có mức sống đủ để phát triển toàn diện.
28. Quyền được học hành.
29. Mục tiêu của giáo dục trẻ em.
30. Quyền về văn hóa, ngôn ngữ và tôn giáo với trẻ em dân tộc thiểu số hay người gốc bản địa.
31. Quyền được nghỉ ngơi, thư giãn, vui chơi và tham gia các hoạt động văn hóa, sáng tạo.
32. Quyền được bảo vệ khỏi các hình thức bóc lột lao động trẻ em.
33. Bảo vệ trẻ em chống lại việc sử dụng chất ma tuý.
34. Bảo vệ trẻ em chống lại các hình thức lạm dụng và bóc lột tình dục.
35. Bảo vệ chống lại các hình thức bắt cóc, mua & bán trẻ em.
36. Bảo vệ trẻ em chống lại tất cả các hình thức bóc lột khác.
37. Bảo vệ khỏi các hình thức đối xử vô nhân đạo & giam giữ đối với trẻ em bị tước quyền tự do.
38. Bảo vệ trẻ em trong chiến tranh.
39. Phục hồi sau khi bị tổn thương và tái hòa nhập
40. Tư pháp cho người chưa thành niên.
41. Lựa chọn và áp dụng luật trẻ em tốt nhất: Nếu luật pháp và tiêu chuẩn của một quốc gia tốt hơn Công ước hiện nay, thì quốc gia đó cần giữ vững và thực hiện pháp luật đó.
42. Mọi người lớn và trẻ em đều cần biết về quyền của trẻ em.
43-54. Công ước được thực thi như thế nào.
Theo: https://www.unicef.org/vietnam/vi/công-ước-liên-hợp-quốc-về-quyền-trẻ-em